Khoai tây là một loại thực phẩm giàu carb, cung cấp các loại vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khoai tây mọc mầm lại chứa chất độc và không thể ăn được. Nhưng vứt đi lại rất phí, vì vậy bạn có thể tận dụng những củ khoai tây để đặt lên bếp, nó sẽ mang lại lợi ích tuyệt vời.
Tác dụng của việc đặt khoai tây lên bếp
Điều rắc rối nhất trong nhà bếp là làm sạch các vết dầu trên máy hút mùi và bếp. Đặc biệt sau một thời gian dài, các vết dầu dày rất khó làm sạch. Nhưng bạn đừng lo lắng, khoai tây có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng.
Dưới đây là cách loại bỏ vết dầu mỡ trên bếp và máy hút mùi:
Bước 1: Chuẩn bị một củ khoai tây và làm sạch đất trên bề mặt khoai tây.
Bước 2: Cắt khoai tây làm đôi, sau đó rắc một ít muối lên mặt cắt ngang của khoai tây. Sau khi rắc, rải đều muối lên mặt cắt ngang đó.
Bước 3: Dùng khoai tây để lau trực tiếp các chất bẩn trên bếp và máy hút mùi, đặc biệt là những khu vực có vết dầu nặng chúng ta cần lau đi lau lại nhiều lần.
Bước 4: Sau khi lau hết vết dầu trên bếp và máy hút mùi, chúng ta tìm một miếng giẻ ướt sạch và lau sạch những vết dầu và muối còn sót lại. Lúc này, bạn sẽ thấy vết dầu trên bếp và máy hút mùi đã được loại bỏ hoàn toàn, sáng như mới.
Sở dĩ khoai tây có thể làm sạch vết dầu mỡ hiệu quả chủ yếu là vì nó có chứa tinh bột và amylase, cả hai đều có chức năng hút dầu và phân hủy dầu mỡ rất tốt. Muối có tác dụng tăng cường ma sát giúp làm sạch, đồng thời còn có tác dụng diệt khuẩn hiệu quả.
Nếu không có khoai tây mọc mầm, bạn có thể tận dụng vỏ khoai tây. Với cách này, bạn hãy làm sạch vỏ khoai tây rồi mang đi luộc. Cho nước này vào bình xịt rồi xịt lên bề mặt bếp, tường bếp và máy hút mùi, để yên khoảng 15 phút rồi dùng khăn lau sạch là được.
Ngoài loại bỏ vết dầu mỡ trên bếp và máy hút mùi, bạn cũng có thể tận dụng nước luộc vỏ khoai tây hoặc nước luộc khoai tây để rửa bát. Ngâm bát đĩa bẩn vào nước luộc khoai tây khoảng 15 – 20 phút, sau đó dùng miếng rửa chén lau bát rồi rửa lại với nước sạch là các vết dầu mỡ và vết bẩn đã được loại bỏ.
Những công dụng khác của khoai tây trong cuộc sống hàng ngày
– Làm sạch lớp cặn trong ấm siêu tốc
Sau một thời gian sử dụng, bên trong ấm siêu tốc sẽ xuất hiện lớp cặn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khoẻ con người, cho nên bạn phải làm sạch thường xuyên.
Để làm sạch ấm siêu tốc, bạn có thể dùng vỏ khoai tây rửa sạch rồi cho vào ấm siêu tốc, thêm nước và đun sôi. Sau khi nước sôi, để yên khoảng 3-5 phút rồi đổ vỏ khoai tây ra ngoài.
Dùng khăn sạch để lau ấm, tráng lại bằng nước sạch là các cặn bẩn sẽ được loại bỏ. Nên thực hiện 1 – 2 lần/tuần để ấm siêu tốc sạch sẽ.
– Loại bỏ vết rỉ sét
Vỏ khoai tây cũng có thể loại bỏ vết rỉ sét một cách hiệu quả. Hãy ngâm vỏ khoai tây với dung dịch nước rửa chén khoảng 10 – 15 phút.
Vớt vỏ khoai tây ra rồi cho dung dịch này vào bình xịt, xịt dung dịch lên bên trên vết rỉ sét, để yên trong vài giờ rồi chà vỏ khoai tây lên. Dùng khăn sạch lau lại là vết rỉ sét sẽ biến mất.
Nếu nồi sắt bị rỉ sét, bạn cũng có thể dùng nửa củ khoai tây có rắc muối lên trên bề mặt mang đi chà nồi. Chà đi chà lại rồi rửa sạch bằng nước sạch là nồi sẽ sạch sẽ như mới.
– Làm sạch vết nước cứng ở vòi nước, chậu và bồn rửa
Vết nước cứng bám chặt trên vòi nước, chậu và bồn rửa inox rất khó loại bỏ bằng nước cũng như chất tẩy rửa thông thường. Nhưng mọi chuyện sẽ được giải quyết khi bạn dùng vỏ khoai tây.
Hãy rửa sạch vỏ khoai tây rồi cho vào nồi luộc. Sau khi nước sôi, hãy cho thêm vào đó 1-2 muỗng nước rửa chén hoặc bột giặt cùng 1 thìa muối vào.
Đợi nước nguội rồi dùng dung dịch này để cọ rửa vòi nước, chậu và bồn rửa, các vết nước cứng sẽ dễ dàng bị loại bỏ.
Hoặc, bạn cũng có thể dùng vỏ khoai tây chà trực tiếp lên vòi inox, để yên khoảng 3 phút rồi dùng khăn lau sạch lại.
– Làm phân bón hoa, cây cảnh
Vỏ khoai tây chứa rất nhiều chất vi lượng, trong đó bao gồm salicylic – chất giúp rễ cây phát triển. Do đó, bạn có thể tận dụng vỏ khoai tây, khoai tây mọc mầm để làm phân bón cho hoa và cây cảnh.
Cách làm rất đơn giản, bạn hãy cho vỏ khoai tây hoặc khoai tây mọc mầm đã thái nhỏ ra cho vào chai nhựa hoặc thùng có nắp đậy. Thêm nước vào sao cho nước và vỏ khoai tây chỉ chiếm 80% chai/thùng, tức không được đổ đầy.
Có thể thêm vào đó vài giọt giấm rồi đậy kín nắp lại. Đợi khoảng 2-3 tháng cho vỏ khoai tây lên men. Sau đó, chắt lấy phần nước, pha loãng với nước rồi mang đi tưới cho hoa và cây cảnh. Nước này kích thích sự phát triển của rễ, tăng cường sức đề kháng cho cây, đồng thời thúc đẩy quá trình ra nhánh và hoa.