Rất nhiều người tin rằng, hoa đu đủ đực có nhiều tác dụng, trong đó có cả việc chữa khỏi bệnh ung thư. Điều này liệu có chính xác và cần phải dùng như thế nào để không gây hại tới sức khỏe?
Chưa có nghiên cứu đủ mạnh để chứng minh hoa đu đủ đực chữa được ung thư
Hiện nay, trên các mạng xã hội và trong các hội nhóm bệnh nhân ung thư, nhiều người truyền tai nhau cho rằng, uống nước từ hoa đu đủ đực (Carica papaya) có thể diệt được tế bào ung thư. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cho đến hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học nào đủ mạnh để khẳng định rằng hoa đu đủ đực có thể chữa khỏi ung thư hoặc tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả.
TS.BS. Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 cho biết, đã có một số nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, một số hợp chất có trong cây đu đủ có khả năng ức chế sự phát triển của một số loại tế bào ung thư trong điều kiện phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, các kết quả này chưa được xác nhận trên người, và việc sử dụng hoa đu đủ đực như một liệu pháp điều trị ung thư vẫn còn rất hạn chế và chưa được các tổ chức y tế chính thức công nhận.
“Cho đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện trong phòng thí nghiệm hoặc trên động vật và kết quả không thể áp dụng trực tiếp cho người. Hiện chưa có nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn nào trên người để xác nhận hiệu quả và độ an toàn của việc sử dụng hoa đu đủ đực trong điều trị ung thư.
Do đó, việc sử dụng hoa đu đủ đực để điều trị ung thư cần được thận trọng, và bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ liệu pháp nào ngoài các phương pháp điều trị tiêu chuẩn”, bác sĩ Mẫn cảnh báo.
Các chuyên gia đều khẳng định, hoa đu đủ đực không có tác dụng chữa ung thư như lời đồn thổi. Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên giám đốc Bệnh viện K, phó chủ tịch Hội Phòng chống ung thư Việt Nam cũng khẳng định, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh, lá hay hoa đu đủ đực chữa chữa khỏi ung thư. Vì thế, người dân không nên tin vào phương pháp này mà tự đánh mất đi cơ hội sống. Trên thực tế không ai chữa khỏi ung thư bằng đu đủ.
Liều lượng an toàn khi dùng hoa đu đủ đực là bao nhiêu?
Dù chưa có nghiên cứu trên người về tác dụng điều trị ung thư của hoa đu đủ đực, tuy nhiên, loại hoa này vẫn có một số tác dụng nhất định với cơ thể. Theo bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, hoa đu đủ đực giúp hỗ trợ tiêu hóa khá hiệu quả khi enzyme papain trong hoa đu đủ đực có thể hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giúp cải thiện các triệu chứng khó tiêu.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy hoa đu đủ đực có tác dụng giảm viêm, có thể hữu ích trong việc điều trị các bệnh viêm nhiễm nhẹ. Đồng thời có khả năng chống ô xy hóa khá hiệu quả do trong hoa đu đủ đực có chứa flavonoid và các chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do.
Về liều lượng sử dụng, bác sĩ Mẫn tư vấn, hoa đu đủ đực có thể được dùng dưới dạng nước ép, sắc uống hoặc dạng bột. Thường sử dụng từ 10-15 gram hoa đu đủ khô (tương đương khoảng 30-50 gram hoa tươi) để nấu nước uống hàng ngày. Nếu dùng dưới dạng bột, có thể dùng từ 5-10 gram pha với nước ấm uống hàng ngày.
Dù không chữa được ung thư nhưng hoa đu đủ đực vẫn có tác dụng nhất định, tuy nhiên không nên lạm dụng loại hoa này. Ảnh minh họa.
Khi sử dụng hoa đu đủ đực, mọi người cần phải chú ý một số điểm sau:
– Tương tác thuốc: Hoa đu đủ đực có thể tương tác với một số thuốc điều trị bệnh khác, do đó người đang điều trị bệnh mãn tính nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
– Phản ứng dị ứng: Một số người có thể bị dị ứng với đu đủ, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng lần đầu.
– Không nên lạm dụng: Việc sử dụng hoa đu đủ đực trong thời gian dài mà không có sự giám sát của bác sĩ có thể dẫn đến tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy.
“Hoa đu đủ đực có một số tác dụng có lợi cho sức khỏe, nhưng không nên xem nó như một liệu pháp thay thế cho các phương pháp điều trị ung thư hiện đại. Việc sử dụng hoa đu đủ đực nên được thực hiện một cách có kiểm soát và dưới sự tư vấn của chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả”, bác sĩ Mẫn chia sẻ.