Nhiều gia đình khi đi du lịch trong dịp nghỉ lễ con bất ngờ bị sốt, điều này làm ảnh hưởng đến kỳ nghỉ của cả gia đình. Vậy nếu trẻ bị sốt khi đang đi du lịch cần phải xử lý ra sao? PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai sẽ có lời khuyên về vấn đề này.
Chào bác sĩ,
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tới đây, tôi dự định đưa cả gia đình đi du lịch biển, trong đó có 3 cháu nhỏ. Khi đi du lịch điều tôi lo lắng nhất là các cháu bị sốt, nhất là cháu nhỏ nhất nhà tôi đã từng có tiền sử bị co giật khi sốt.
Xin bác sĩ tư vấn, trường hợp trẻ bị sốt khi đi du lịch cần xử lý thế nào? Nhất là với trẻ co giật thì sơ cứu ra sao?
Xin cảm ơn bác sĩ!
Việc trẻ bị sốt khi đi du lịch rất thường gặp, nguyên nhân là do trẻ vui chơi ngoài trời nhiều hoặc cũng có thể do thay đổi môi trường sống. Tuy nhiên, phụ huynh không cần quá lo lắng, vì sốt là phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng… Do vậy, hầu hết sốt ở trẻ là lành tính, tuy nhiên khi trẻ sốt cao không đáp ứng thuốc hoặc co giật sẽ khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Do vậy, khi trẻ bị sốt phụ huynh nên thực hiện một số bước sau:
– Để trẻ nằm ở nơi thoáng mát, sạch sẽ và mặc quần áo rộng, thoải mái. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc tăng số lần cho trẻ bú với trẻ sơ sinh. Trẻ lớn có thể cho uống thêm nước trái cây, nhất là nước giàu vitamin C.
– Lau người cho trẻ bằng khăn được nhúng vào nước ấm khoảng 37-40 độ và vắt ráo trước khi lau. Nên chú ý lau ở vùng hõm nách, hai bên bẹn sau đó lau khắp người. Không cần thiết phải đắp khăn lên trán hoặc trước ngực.
– Cho trẻ dùng hạ sốt nếu trẻ sốt và chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol liều lượng 10-15mg/kg/1 lần khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, 4-6 tiếng dùng một lần. Nếu trẻ đã có tiền sử co giật do sốt, hãy sử dụng hạ sốt khi bé sốt trên 38 độ C. Nếu thuốc hạ sốt không có tác dụng hoặc trẻ có những dấu hiệu bất thường thì nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.
Khi trẻ bị sốt cần lau khăn ấm, không nên chườm lạnh. Ảnh minh họa.
Không nên thực hiện những việc sau khi trẻ bị sốt:
– Dán miếng hạ sốt: Tốt nhất nên dùng khăn ấm lau người như hướng dẫn ở trên, việc dùng miếng dán không giúp trẻ hạ sốt, gây tốn kém.
– Chườm lạnh: Việc chườm lạnh không có tác dụng hạ sốt, vì sốt do nhiều nguyên nhân như virus, vi khuẩn, viêm phổi nên chườm lạnh chỉ làm bệnh trầm trọng hơn, dễ gây bỏng lạnh, khiến trẻ suy hô hấp.
– Đóng kín cửa: Khi bị sốt cần mở cửa cho không khí lưu thông, phòng ở thông thoáng. Việc đóng kín cửa để kín gió chỉ làm người bị sốt thêm khó chịu, khiến bệnh nặng hơn.
– Ăn kiêng: Nên cho trẻ ăn đầy đủ, đa dạng thực phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể. Việc cho trẻ ăn kiêng sẽ khiến miễn dịch trẻ suy yếu, sức đề kháng yếu, suy dinh dưỡng, lâu khỏi bệnh.
Trẻ bị sốt cần ăn đầy đủ dinh dưỡng, trong đó tăng cường thực phẩm giàu vitamin C. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, nếu gặp trường hợp trẻ sốt kèm theo co giật, phụ huynh cần phải thật sự bình tĩnh, bế trẻ đặt nằm nghiêng, không được gập đầu khiến trẻ không thở được. Sau đó để nguyên không động hay can thiệp gì đến trẻ. Không day, không vuốt ngực… nếu thấy trẻ nghiến răng. Đồng thời, phụ huynh cũng không nên chèn vật dụng gì đó vào giữa hai hàm răng của trẻ, nhằm mục đích giúp bé không cắn lưỡi.
Theo kinh nghiệm cấp cứu nhiều năm của PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, đa số trẻ co giật khi sốt, sau khi bình tĩnh qua cơn co giật, cằm của trẻ sẽ mềm ra thì lúc đó mới dùng một miếng vải hay chiếc khăn tay chèn vào phòng cơn co giật sau.
Để đảm bảo an toàn, cũng như chủ động trong trường hợp con bị ốm sốt, tốt nhất trước khi đi du lịch các bậc phụ huynh nên chuẩn bị một số đồ dùng y tế và thuốc thông dụng như: Nhiệt kế, thuốc hạ sốt, bông băng y tế, nước muối sinh lý, thuốc chống tiêu chảy, thuốc xịt côn trùng, thuốc dị ứng (nếu có người bị dị ứng) …